Đây là một bài viết thiên về thị trường. Trong một bài viết khác, tôi sẽ nói chi tiết về mặt kỹ thuật. Bạn nên chú tâm vào điều này để tránh xao lãng qua chuyện sóng sánh, công nghệ.
Đối tượng có thể đọc bài viết này là người đang muốn làm đại lý hay phân phối sản phẩm smarthome và đang muốn lựa chọn thương hiệu.
Có một vấn đề khi mọi người bắt đầu tham gia thị trường smarthome để làm đại lý hoặc bán hàng, đó là lựa chọn phân khúc của thị trường. Đối với một nhà phân phối, đây cũng là một trong những quyết định khó, nhưng khác với đại lý, họ khó thay đổi nó khi đã đi sâu. Do vậy lựa chọn đúng ngay từ đầu sẽ quyết định thành bại của quá trình buôn bán thiết bị.
Lợi nhuận có được không cao
Không phải tôi chê trách giải pháp không dây, nhưng chính nó, với giá trị thấp hơn hẳn các thiết bị có dây.
Các công tắc không dây thường có giá dưới 1 triệu đồng, thậm chí nhiều sản phẩm khi bán tháo chạm ngưỡng 50 nghìn đồng. Nếu không xét đến trường hợp bán tháo thì trung bình các sản phẩm này có giá trung bình 300 nghìn đồng. Nếu xem như người bán hưởng 50% giá bán thì anh ta có 150 nghìn đồng cho mỗi thiết bị được bán ra. Một khách mua 10 bộ công tắc, anh ta có được lợi nhuận 1 triệu 500 nghìn đồng.
Ngược lại, một công tắc có dây (thường tích hợp cho cả một hệ thống), có giá không dưới 1 triệu đồng. Trung bình khoảng 2 triệu một bộ công tắc với một thương hiệu ở tầm trung. Giả sử, chủ tiệm chỉ lời 25%. Một khách hàng mua 10 bộ công tắc, chủ tiệm thiết bị đã có 5 triệu đồng.
So sánh về hiệu quả trên đầu sản phẩm thì các sản phẩm có dây đang ở thế rất cao.
Hãy nhớ: miếng bánh chia cho nhiều người, miếng ngon chưa chắc lớn, miếng lớn chưa chắc ngon.
Nói đi thì phải nói lại. Một người chỉ có số vốn ít ỏi thì mua một lô sản phẩm với giá thành cao về bán là một sự mạo hiểm, đôi khi là liều lĩnh. Nhưng với những sản phẩm có giá trị thấp, nó có vẻ an toàn hơn. Bởi một logic rằng mọi người có xu hướng đầu tư trong khả năng của mình hơn là chấp nhận mạo hiểm nên thị trường của phân hóa theo hai nhánh đó.
Với nguyên lý hình thang thì số lượng những người có đủ vốn để “chơi lớn” sẽ luôn ít hơn nhiều giới “bình dân”. Đời nào người giàu đông hơn bao giờ. Thế nên trừ những người ở hệ “chơi khô máu”, ta thấy rằng miếng bánh thị phần lúc nào cũng lúc nhúc và đông đúc ở phân khúc smarthome không dây. Trong khi đó ở “giới thượng lưu” có dây, thị trường lại thênh thang đến lạ.
Giải pháp giống nhau, tôi sẽ chọn cái nào tôi thích
Khác với gạo, smarthome không phải là nhu cầu thiết yếu của con người. Một khách hàng hoàn toàn có thể bỏ hẳn các thiết bị smarthome mà anh ấy đã mua để thay bằng công tắc cơ bình thường hoặc smarthome của hãng khác. Khi nói đến smarthome không dây, điều ấy đúng. Bởi dạng chung là các công tắc thông minh sẽ được lắp vào giống như một công tắc cơ.
Nhưng với smarthome có dây, đó là điều khó khả thi hơn. Nếu khách hàng muốn thay đổi hệ thống smarthome cũ, họ sẽ phải tốn một chi phí khổng lồ hơn vì cách đi dây và chuẩn dây kết nối của các hãng không phải lúc nào cũng giống nhau và cũng không giống công tắc cơ truyền thống. Smart home có dây sẽ giữ chân khách hàng lại với nhãn hiệu lâu hơn. Lâu đến chừng nào dịch vụ sau bán hàng của nhà phân phối còn tồn tại. Đây cũng là một lời nhắc nhỡ của tôi đến những ai coi thường hậu mãi.
Hãy nhìn lại đi, nếu bạn là một gã mê công nghệ, và có tài chính tốt, bạn có thích chơi thử vài món hàng mới, khi đã chán những món hàng đã cũ thường xuyên trục trặc.
Sản phẩm dạng DIY, lợi nhuận không nằm ở công lắp đặt
Điều tôi thấy khá bất ngờ là một số đại lý bán hàng cho các hãng smarthome kết nối không dây lại làm luôn phần lắp đặt. Đó có thể là điều cần thiết khi khách hàng chưa biết cách tự lắp đặt nhưng lại đi trái lại với phong cách mà sản phẩm không dây mang lại, là không cần chuyên môn cao cấp. Nhiều sản phẩm chỉ cần nhấn “tiếp theo” nhiều lần cho đến khi hoàn tất thì phần nhân công cho việc lắp đặt không phải là yêu cầu cần thiết.
Đó là một sự phí phạm trong kinh doanh.
Điều đã thúc đẩy nhu cầu mua thiết bị smarthome trong những năm gần đây là do hai nguyên nhân chính: sự phát triển của công nghệ và sự đại hạ giá của hàng điện tử. Vậy nên giá trị của các sản phẩm đã thấp, người bán lại còn phải tìm cách tặng thêm một lượng công sức vô định là một điều không nên.
Chi phí bảo hành có thể khiến người bán kiệt quệ
Không phải ngẫu nhiên khi các sản phẩm mọi thứ điều ngang nhau nhưng giá bán lại chênh lệch cực độ. Luôn tồn tại một giá trị đảm bảo để người bán phải chịu trách nhiệm bảo hành và sửa chửa khi sản phẩm gặp sự cố. Việc giá trị của sản phẩm smarthome không dây thấp khiến người bán chịu một áp lực lớn hơn khi công sức bỏ ra cho việc bảo hành vượt quá lợi nhuận đã có trước đó. Và người dùng chấp nhận gặp rủi ro do không được bảo hành trọn vẹn như quảng cáo với nhiều trường hợp “thuê bao quý khách vừa gọi”.
Nếu các sản phẩm không ngang nhau mà phân tầm thì rõ ràng tầm smarthome có dây sẽ cao hơn smarthome không dây về mặt bảo hành khi giá trị đảm bảo của nó cao hơn.
Kết luận
Tuy bài viết khá tâng bốc những sản phẩm có dây, nhưng ở một góc độ khác, sự phân hóa thị trường cũng sẽ giúp các sản phẩm không dây tìm được thị trường của mình. Và cũng không phải 100% rằng cứ không dây là phân khúc thấp. Tôi sẽ có những bài viết khác phản biện ngược lại chính mình. Hãy đón đọc nhé!
Để lại một phản hồi